Thật ra, điều khiến tôi chịu ngồi xem Scent of a woman là vì tò mò không biết Yoen Jae sẽ làm gì trong 6 tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Ở những bộ film khác, thường là người ta yêu nhau say đắm mới biết một trong hai người mang bệnh, rồi thì sẽ đau khổ đến gục ngã khi người ấy chết, và khi đứng dậy thì mang theo những câu chuyện về tình yêu ấy suốt cuộc đời. Nhưng Yoen Jae ngay từ tập đầu đã biết bản thân sắp chết. Cô viết ra 20 điều phải làm. Những điều mà suốt 10 năm làm việc trong công ty du lịch hàng đầu, chịu đựng ông trưởng phòng ích kỉ và ánh mắt nhìn xuống từ đồng nghiệp, cô cứ mãi để dành và trì hoãn đến khi quên mất về những điều đẹp đẽ. Vì sao khi sắp chết, người ta mới đủ can đảm làm tất cả những gì mình muốn, mặc những gì mình thích, ăn bất cứ thứ gì thấy ngon, thực hiện những điều lãng mạn nhỏ nhặt vẫn mơ mộng. Vì sao phải đến khi sắp kết thúc mới để cuộc sống thật sự bắt đầu.
Có phải để được đặt chân lên con đường trong những giấc mơ thì phải bước qua nhiều con đường xa lạ với chính bản thân mình? Là học một ngôi trường mà sau 2 năm ở đó, chẳng bóng dáng một người thầy cô nào khiến mình thật sự tôn trọng và yêu mến. Là đi đến một nơi mà sau khi đọc bài phỏng vấn về á hậu Thiên Lý mới nhìn thấy cảm giác mình vẫn cảm nhận hằng ngày một cách rõ ràng "....trải qua một thời gian khá dài, dĩ nhiên cũng đã có nhiều kỉ niệm vui lẫn buồn nhưng hầu như chẳng có dấu ấn gì đáng kể, tất cả chỉ nhàn nhạt so với những kỉ niệm ở Việt Nam thì một chút xíu cũng đậm đà". Thì ra mình và á hậu cũng có điểm chung haha.
Dù sao đi nữa, chúng ta đều phải có trách nhiệm với cái lao chính mình phóng ra thôi. Chạy theo nó rồi nhặt lên. Nếu vẫn chưa đủ thì tiếp tục phóng lên phía trước. Thứ mà mọi người vẫn gọi là thoả mãn sức trẻ có lẽ là như thế.